Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người người nhà nhà đều nô nức sắm sửa đồ cúng, tiền vàng mã, cá chép phóng sinh,… để làm lễ cúng ông Công ông Táo. Vậy ngày ông Công ông Táo là gì và cần lưu ý những gì trong ngày này.
1. Ông Công ông Táo là ai? Lễ ông Công ông Táo 2023 vào ngày bao nhiêu?
Ông Công ông Táo trong tín ngưỡng của người Việt Nam ta có nguồn gốc từ ba vị thần của Trung Quốc là Thổ địa, Thổ kỳ và Thổ công. Để phù hợp với văn hóa nước ta, sự tích “2 ông và 1 bà” đã xuất hiện gồm có thần đất, thần nhà và thần bếp. Hay thường được mọi người gọi chung là ông táo hoặc táo quân.
Sự tích về ông công ông táo
Có sự tích Việt Nam kể lại rằng, Trong Cao và Thị Nhi là hai vợ chồng, tuy sống ấm áp với nhau nhưng mãi vẫn không có mụn con nào. Dần dần Trong Cao thường xuyên kiếm chuyện tranh cãi với vợ.
Đến một ngày, chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt mà Trọng Cao đã đánh Thị Nhi và đuổi nàng đi. Thị Nhi không chịu được đã bỏ nhà đi nơi xứ khác và gặp được Phạm Lang. Hai người yêu nhau và quyết định kết duyên vợ chồng. Về phía Trọng Cao, sau khi hết giận thì cảm thấy ân hận về những chuyện đã làm với Thị Nhi nên đã lên đường tìm vợ.
Thời gian tìm kiếm kéo dài khiến gạo tiền của Trọng Cao dần cạn kiệt, chàng phải đi ăn xin dọc đường. Vào ngày 23 tháng Chạp, Trọng Cao xin ăn đúng vào nhà của Thị Nhi trong khi nàng đang đốt vàng mã và Phạm Lang đang không ở nhà. Nhận ra là chồng cũ, Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà nấu cơm mời chàng ăn. Đúng lúc đó thì Phạm Lang về đến, sợ chồng sẽ nghĩ oan cho mình. Thị Nhi đành phải giấu Trọng Cao ở đống rạ sau vườn.
Ba vị Táo quân cai quản nhà cửa, bếp núc và nội trợ
Không may vào đêm hôm đó, Phạm Lang lại đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Trong Cao ở bên trong sợ bị phát hiện nên không dám chạy ra ngoài nên bị thiêu chết. Thị Nhi định lao vào đống lửa để cứu Trọng Cao cũng chết theo. Bất ngờ trước cảnh tượng mà mình nhìn thấy nhưng Phạm Lang vẫn lao vào đống lửa chết cùng vợ.
Linh hồn của ba người được đưa đến trước mặt Ngọc hoàng, vì cảm thấy cả ba đều có nghĩa có tình nên đã cho ba người làm Định Phúc Táo Quân hay gọi tắt là Táo quân, mỗi người sẽ quản lý một công việc khác nhau:
Trọng Cao sẽ làm thổ địa phụ trách việc trông coi nhà cửa. Phạm Lang thì làm thổ công trông coi bếp núc và Thị Nhi làm thổ kỳ trông coi việc nội trợ. Cả ba vị thần sẽ đến các gia đình để tạo phúc cho họ.
Từ đó ngày lễ 23 Tháng Chạp đã ra đời để người dân bày tỏ lòng biết ơn và cũng là ngày mà các vị thần Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên trời để báo cáo với Ngọc hoàng những việc tốt xấu của các gia đình trong một năm vừa qua.
2. Ngày ông Công ông Táo có ý nghĩa gì?
Đối với người Việt Nam, ông Công ông Táo không chỉ là vị thần cai quản bếp, nhà cửa mà các vị táo quân còn giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các loài ma quỷ, ngăn không cho chúng vào nhà gây hại cho gia chủ. Do đó cúng ông công ông táo có ý nghĩa cầu mong cho một năm yên ấm, đầy đủ.
Ngày ông Công ông Táo cũng là ngày mà các gia đình được sum vầy, tụ họp bên nhau sau một năm làm việc vất vả, có những người làm việc xa nhà cũng sẽ cố gắng về nhà ăn bữa cơm gia đình.
Cá chép là phương tiện đưa các táo lên trời báo cáo tình hình một năm vừa qua
Điểm đặc biệt không thể thiếu trong ngày này chính là thả cá chép. Theo quan niệm dân gian, cá chép là phương tiện để ông Công ông Táo về trời báo cáo. Do đó vào ngày này, người dân sẽ mua cá chép về để phóng sinh nhằm chuẩn bị phương tiện cho táo quân về trời.
Ngoài ra, ca dao tục ngữ hay có câu “cá chép vượt vũ môn” hay cá chép hóa rồng” nên việc thả cá còn mang ý nghĩa như sự kiên trì, bền bỉ, không ngại khó, không ngại khổ để đi đến thành công của con người.
3. Cách thức chuẩn bị nghi lễ cúng ông Công ông Táo
Thời gian làm lễ cúng ông Công ông Táo phải được thực hiện trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, người dân có thể làm lễ cúng từ ngày 21 tháng Chạp đến trưa ngày 23 tháng chạp. Thời gian tốt nhất để cúng bao gồm:
- Nếu cúng vào ngày 21 tháng Chạp nên cúng vào khung giờ Mão từ 5 giờ - 7 giờ, hoặc giờ Ngọ từ từ 11 giờ - 13 giờ (giờ Ngọ là khung giờ tốt nhất biểu thị cho may mắn), giờ Thân từ 15 giờ - 17 giờ và cuối cùng là giờ Dậu từ 17 giờ - 19 giờ.
- Vào ngày 23 tháng Chạp thì nên cúng vào giờ Thìn từ 7 giờ - 9 giờ (giờ Thìn là khung giờ đem lại may mắn của ngày 23 tháng Chạp) hay cũng có thể cúng vào giờ Tỵ từ 9 giờ - 11 giờ.
Để cúng ông Công ông Táo cần chuẩn bị
- Ba con cá chép phóng sinh, phải là loại cá chép đỏ. Mọi người nên chọn các chú cá khỏe mạnh, bơi nhanh. Sau khi mang cá về nhà cần thả vào một chậu nước đặt cạnh mâm cỗ cúng. Sau khi cúng xong hãy tìm những sông, hồ nước sạch để thả cá. Không nên đứng từ trên cao ném cá xuống sông hồ mà hãy hạ thấp cá xuống gần mặt nước và thả chúng ra.
- Đồ lễ: Cần chuẩn bị mũ táo quân gồm 3 chiếc, 2 chiếc mũ có cánh chuồn cho 2 táo ông và 1 mũ không có cánh chuồn cho táo bà. Quần áo, giày cho táo quân cũng chuẩn bị 2 bộ cho táo ông và 1 bộ cho táo bà. Cuối cùng là chuẩn bị vàng mã.
Đồ lễ cần chuẩn bị trang phục để táo quân lên trời báo cáo
- Mâm cơm cúng tùy từng điều kiện của mỗi gia đình khác nhau mà có sự khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản mâm cơm cúng sẽ bao gồm các món sau: Gà luộc, đĩa giò, bánh chưng, 1 bát canh măng nấu móng giò hoặc bát canh mọc, một đĩa rau, 1 bát muối, 1 bát cơm, trầu cau, hoa quả, bánh kẹo, nén hương, rượu, nước trắng,…
Mâm cơm cúng táo quân cơ bản
Trước khi thực hiện lễ cúng, gia chủ cần ăn mặc kín đáo, sạch sẽ thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần. Lúc đọc văn khấn cần phải thể hiện sự trang nghiêm, giọng nói rõ ràng, mạch lạc. Mâm cơm cúng sẽ được đặt ở bàn thờ riêng hoặc trên bàn thờ gia tiên, không được đặt ở dưới bếp.
4. Những lưu ý, kiêng kỵ khi cúng ông Công ông Táo
Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công ông Táo về trời báo cáo tình hình trong một năm qua, nên thay vì cầu xin tài lộc thì hãy sám hối về những điều làm chưa tốt trong năm và hy vọng làm những điều tốt đẹp hơn vào năm sau.
Cá chép không được thả vào nước bẩn hay từ trên cao. Bởi vì cá chép là phương tiện đi lại của táo quân, việc thả cá không đúng chính là sự xúc phạm tới các vị thần.
Khi thả cá nên để gần mặt nước không nên thả từ trên cao
Cần cúng trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp vì quá giờ đó ông Công ông Táo sẽ bay về trời. Họ là các vị thần, nên không nên đốt tiền âm phủ như đốt cho vong hồn người âm. Và trong mâm cơm cúng ông Công ông Táo nên tránh làm các món ăn từ thịt chim, ngỗng, thịt dê, thịt chó,…
Cúng ông Công ông Táo là một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam ta do đó cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, không nên quá lãng phí tiền bạc vào việc mua vàng mã vừa tốn kém lại gây ô nhiễm môi trường. Hãy là những con người văn minh vừa duy trì được truyền thống văn hóa nhưng vẫn bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Nguồn: anvientv.com.vn